Trên cơ sở quân điền, nhà nước bắt nông dân phải chịu nghĩa vụ ngang nhau về thuế khoá và lao dịch. Đặc biệt, đến thời Tuỳ Đường, nghĩa vụ đó được quy định thành chế độ “tô, dung, điệu”.
“Tô” là thuế đánh vào ruộng lúa, nộp bằng thóc.“Dung” là thuế hiện vật hay cho nghĩa vụ lao dịch, cũng nộp bằng lúa.
“Điệu” là thuế đánh vào đất trồng dâu, nộp bằng tơ lụa.
Ví dụ : thời Đường, mức các loại thuế ấy được quy định như sau : mỗi tráng đinh mỗi năm phải nộp “tô” 2 thạch thóc, “dung” 60 thước lụa để thay cho 20 ngày lao dịch, “điệu” 20 thước lụa và 3 lạng tơ. Như vậy, mục đích của chế độ quân điền là nhằm bảo đảm cho nông dân có ruộng đất cày cấy, do đó sẽ bảo đảm nguồn thuế khoá và lao dịch cho nhà nước.
Sau khi thi hành chế độ quân điền, những nông dân không có hoặc có ít ruộng đất, những người đi lưu tán trở về quê hương đều được cấp ruộng đất, do đó họ đã trở thành nông dân cày cấy ruộng đất công, thoát khỏi sự lệ thuộc vào địa chủ. Hơn nữa, do việc giao ruộng đất cho nông dân, nên toàn bộ ruộng đất bị bỏ hoang vì chiến tranh đã được canh tác trở lại, vì thế nông nghiệp lại được phát triển, nhà nước và nông dân đều có lợi.
Chế độ quân điền là một chính sách chung của cả nước, nhưng thời Tuỳ Đường, chế độ đó thực tế chỉ thi hành ở miền Bắc là nơi có nhiều ruộng đất vô chủ mà thôi. Hơn nữa, ngay ở miền Bắc, chế độ đó cũng không được thi hành triệt để. Nhiều tài liệu đời Đường để lại cho biết rằng rất nhiều nông dân không có đủ số ruộng theo mức quy định.
Đến giữa đời Đường, do sự chiếm đoạt ruộng đất của giai cấp địa chủ, do một số nông dân không chịu nổi nghĩa vụ thuế khoá phải rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực, đặc biệt là do vụ loạn An Sử (755 – 763) đã gây nên sự xáo trộn lớn về nhân khẩu, nên chế độ quân điền bị phá hoại dần dần. Do vây, năm 780, nhà Đường phải đặt ra một chính sách thuế khoá mới gọi là phép thuế hai kì. Chính sách thuế mới này quy định : nhà nước chỉ căn cứ theo số ruộng đất và tài sản thực có để đánh thuế, đồng thời thuế được thu làm hai lần vào hai vụ thu hoạch trong năm. Bỏ tô dung điệu, chỉ căn cứ theo tài sản thực có để đánh thuế, điều đó chứng tỏ rằng, đến đây nhà nước đã công khai thừa nhận chế độ quân điền không tồn tại nữa.
Từ đó cho đến cuối thời trung đại, bộ phận ruộng đất của nhà nước vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng nhìn chung ngày càng thu hẹp. Với số ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lí, các triều đại từ Tống về sau chỉ đem ban cấp cho quan lại, lập đồn điền, điền trang gọi là hoàng trang, quan trang, tỉnh trang… mà thôi chứ không có chính sách gì mới.