Tầng lớp nô lệ thời Trung Đại của Trung Quốc

     Tầng lớp nô lệ còn gọi là nô tì đến thời trung đại vẫn còn khá đông đảo. Nguồn nô lệ chính là tù binh, những người phạm tội và những người quá nghèo khổ phải bán bản thân hoặc vợ con. Thân phận nô lệ tuy có khá hơn thời cổ đại, nhưng họ vẫn bị coi là một loại hàng hoá để mua bán và trao tặng.

     Đời Hán, giá một nữ tì là 20.000 tiền, bằng giá 5 con ngựa. So với thời Tây Chu, giá 5 nô lệ mới bằng giá 1 con ngựa và 1 cuộn tơ, thì giá trị của nô tì lúc này đã hơn trước nhiều. Đến đời Nguyên, việc mua bán nô tì càng thịnh hành. Ở kinh đô có chợ bán người công khai như chợ bán ngựa, bán cừu.

     Sự giết hại nô tì một cách tuỳ tiện có hạn chế hơn nhưng nói chung tính mạng của nô tì vẫn không được bảo đảm. Ví dụ : luật đời Đường quy định nếu nô tì có tội, chủ không trình quan mà giết chết thì bị đánh 100 gậy, nếu nô tì không có tội thì bị tù 1 năm. Sự đối xử đối với nô tì đời Nguyên lại càng tàn tệ. Nô tì thường bị thích chữ lên mặt, đóng dấu nung đỏ vào chân, thậm chí có khi còn bị bắt uống thuốc làm cho câm không nói được. Pháp luật đời Nguyên quy định nếu nô tì chửi bới chủ, chủ đánh chết cũng không bị tội, người tự do giết chết nô tì của kẻ khác thì bị đánh 107 gậy, trong khi đó, nếu giết ngựa của kẻ khác thì bị đánh 100 gậy.

Tầng lớp nô lệ thời Trung Đại của Trung Quốc

     Sức lao động của nô tì tuy cũng có bị sử dụng vào các ngành sản xuất như nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp nhưng phần lớn là dùng vào việc hầu hạ trong gia đình quý tộc, địa chủ. Số lượng nô tì ở trong các gia đình đó thường rất nhiều. Ví dụ : Lương Kí thời Đông Hán có mấy nghìn nô tì, Thạch Sùng đời Tấn có 800 nô tì.

     Sự tồn tại một tầng lớp nô tì đông đảo đã ảnh hưởng đến nguồn thuế Khoa và lao dịch của nhà nước. Vì vậy, có một số quan lại như Sư Đan, Đổng Trọng Thư đời Hán đã nêu ra vấn đề hạn chế hoặc xoá bỏ quan hệ nô lệ. Nhiều triều đại khi mới thành lập cũng tuyên bố giải phóng những người trong thời gian chiến tranh phải bán thân làm nô tì được trở thành người tự do. Tuy nhiên do cuộc sống bần cùng của nhân dân lao động, đến cuối chế đô phong kiến, tầng lớp nô tì vẫn tiếp tục tồn tại.

     Tóm lại, thời trung đại, cơ cấu giai cấp ở Trung Quốc tương đối phức tạp. Hơn nữa, đối với từng cá nhân, thân phận giai cấp, đẳng cấp không cố định, có thể thay đổi, nhưng các giai cấp, tầng lớp nói trên thì tồn tại lâu dài trong lịch sử.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: lich su the gioi