Ngoài điền khách và bộ khúc, nô tì vẫn còn giữ địa vị khá quan trọng trong sản xuất, nhất là trong thủ công nghiệp.
Trong những thời kì chính quyền trung ương suy yếu, đất nước loạn li, các điền trang đã trở thành cơ sở của các lực lượng phong kiến mang ít nhiều tính chất độc lập, nhưng nói chung, điền trang ở Trung Quốc tồn tại trong điều kiện có bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương nên điền trang không phải là những đơn vị hành chính và tư pháp.
Đến đời Đường, Tống, cùng với sự phát triển của chế độ ruộng đất tư hữu, số điền trang trong nước càng nhiều hơn trước. Nhưng, đồng thời, do sự phát triển của kinh tế hàng hoá, tính chất tự nhiên của kinh tế điển trang có giảm bớt, có một số điền trang đã sản xuất rau, đốt than… để đem ra bán ở thị trường. Mặt khác, thân phận của lực lượng lao động sản xuất chủ yếu trong các điền trang (nay gọi là trang khách) thuần tuý là những tá điền của địa chủ.
Những thay đổi nói trên trong tổ chức điền trang thời Đường Tống chính là những biểu hiện của sự tan rã dần dần của chế độ điền trang ởTrung Quốc.
Như vậy, dưới thời phong kiến, nói chung phần lớn ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của giai cấp địa chủ. Tình hình ấy đã ảnh hưởng đến sự vững chắc của chế độ chuyên chế tập quyền, đến nguồn thuế khoá và lao dịch của nhà nước. Bởi thế các triều đại phong kiến đã nhiều lần ban hành các chính sách nhằm hạn chế sự chiếm hữu ruộng đất vô hạn độ của giai cấp địa chủ như chính sách hạn điền của Vương Mãng, chính sách quân điền từ Bắc Ngụy đến Tuỳ – Đường, chính sách cấm chiếm đoạt ruộng đất của Chu Nguyên Chương v.v… Nhưng những chính sách ấy hoặc là không thực hiện được, hoặc là hiệu quả chẳng được bao nhiêu, do đó hiện tượng giai cấp địa chủ tìm mọi cách để ngày càng chiếm hữu được nhiều ruộng đất trở thành một xu thế không thể ngăn chặn được.
Bên cạnh địa chủ tư nhân, nhà chùa Phật giáo và Đạo giáo cũng chiếm hữu rất nhiều ruộng đất. Vì vậy, giữa thế kỉ IX, Đường Vũ Tông đã ra lệnh “bỏ Phật”, tức là chỉ cho giữ lại một số rất ít chùa chiền ở kinh đô và các châu quận với một số sư sãi rất hạn chế, còn các chùa khác đều phải xoá bỏ. Kết quả là nhà nước đã tịch thu được 10 triệu khoảnh ruộng, qua đó có thể biết số ruộng đất của nhà chùa không phải là ít. Lệnh “bỏ Phật” này chỉ duy trì được dăm ba năm, sau khi Đường Vũ Tông chết thế lực của nhà chùa lại khôi phục, thậm chí còn phát triển hơn trước.
Đến thời Nguyên, thế lực Phật giáo nhất là giáo phái Lạt ma càng mạnh. Các vua Nguyên thường ban rất nhiều ruộng đất cho các chùa đạo Lạt ma, trong đó có chùa được ban đến 325.000 khoảnh. Ngoài ruộng đất được vua ban, các nhà sư còn chiếm đoạt ruộng đất của dân, có kẻ đã chiếm đến 20.000 khoảnh. Đạo giáo trong thời Đường – Tống được tôn làm quốc giáo nên thế lực cũng phát triển nhanh chóng. Đặc biệt thời Nguyên, đạo sĩ Trương Tông Diên được Hốt Tất Liệt cho đởi đởi cầm đầu Đạo giáo ở miền Nam Trung Quốc và được ban cho nhiều ruộng đất, vì vậy họ Trương cũng trở thành một địa chủ lớn.
Ngoài ruộng đất của địa chủ còn có ruộng đất của nông dân tự canh. Bộ phân ruộng đất của họ rất bấp bênh, nhưng trước sau vẫn tồn tại trong xã hội phong kiến Trung Quốc.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
lịch sử thế giới